Cuốn sách ” Tiếng chim hót trong bụi mận gai”: Một tình sử đầy ngang trái mà rất lãng mạn day dứt. Tác phẩm là một câu chuyện xuất sắc.
Tác phẩm thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong tình yêu, cũng như tâm tư khi yêu của một người phụ nữ. Nó cũng phần nào lên án vấn đề “trọng nam khinh nữ”. Khi mà phụ nữ bị coi thường trong xã hội xưa.
Câu truyện tình yêu của 3 thế hệ phụ nữ nhà Cleary rất khác nhau, và cách ứng xử của họ cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm.
1. Về cuốn sách
Tiếng chim hót trong bụi mận gai (The Thorn Birds) là một cuốn tiểu thuyết của tác giả người Úc Colleen McCullough bán chạy nhất năm 1977. Những câu chuyện trong sách tập trung vào gia đình Cleary và nhịp của những năm 1915-1969. Vì vậy cuốn tiểu thuyết mang đầy tính sử thi . Sách ” Tiếng chim hót trong bụi mận gai” kể về câu chuyện của gia đình Clear và cuộc sống của họ trên trang trại của dì họ, Drogheda, ở Úc, nó theo chân Meggie từ khi còn nhỏ cho đến khi về già. Giữa nỗi đau và sự mất mát là một câu chuyện tình yêu đẹp, nảy nở giữa Meggie và Ralph de Bricassart, một linh mục Công giáo trẻ tuổi và đầy tham vọng. Tình yêu của họ dành cho nhau vừa ngây thơ, vừa nồng nàn. Được thúc đẩy bởi những giấc mơ và cuộc đấu tranh của ba thế hệ, The Thorn Birds – Tiếng chim hót trong bụi mận gai là câu chuyện sử thi về một gia đình có nguồn gốc từ đất nước Úc. Trung tâm của câu chuyện là tình yêu của Meggie Cleary, người không bao giờ có thể chiếm hữu được người đàn ông mà cô ấy vô cùng yêu mến, và Ralph de Bricassart, người đã thăng tiến từ linh mục quản xứ đến các giới bên trong của Vatican… nhưng niềm đam mê dành cho Meggie sẽ theo anh ta suốt cả cuộc đời mình. Tác phẩm thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong tình yêu, cũng như tâm tư khi yêu của một người phụ nữ. Nó cũng phần nào lên án vấn đề “trọng nam khinh nữ”. Khi mà phụ nữ bị coi thường trong xã hội xưa.
2. Cuốn sách Tiếng chim hót trong bụi mận gai hướng đến ai?
Thứ nhất, tiểu thuyết ” Tiếng chim hót trong bụi mận gai” là tiểu thuyết thể loại tình cảm. Bởi vậy, nếu yêu thích thể loại này, bạn hoạn toàn có thể lựa chọn đọc cuốn sách nàyThứ hai, cuốn tiểu thuyết được viết với lối miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế, sâu sắc. Vì vậy, nếu yêu thích thể loại truyện miêu tả tâm lý nội tâm nhân vật và cuộc sống, bạn có thể nghiền ngẫm cuốn sách này. Thứ ba, cuốn sách như là liều thuốc dành cho những ai đang có những cảm xúc lưng chừng, vô định trong tình yêu. Trong cuộc sống hằng ngày, Meggie là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng và đằm thắm. Nhưng, trong tình yêu, nàng gai góc và bản lĩnh nhường nào để giành lấy tình yêu của mình.
3. Chi tiết đặc sắc trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”
Hình ảnh tiếng chim hót
Mở đầu câu chuyện là hình ảnh của một loài chim chỉ có trong thần thoại cổ xưa bay khắp nơi. Nó đi tìm một cành gai nhọn rồi lao mình vào đó. Giữa cơn hấp hối, nó cất tiếng hót véo von, hay hơn toàn bộ tiếng hót của các loài chim trên đời này. Nó khiến cho “trời đất ngưng đọng lại để lắng nghe, còn Thượng đế trên cao thì mỉm cười. Bởi lẽ sự tuyệt vời nhất phải đánh đổi bằng cả niềm đau vô tận ấy, báo hiệu trước thảm kịch cho 1 mối tình.
Hình ảnh đóa hoa hồng
Hoa hồng là hình ảnh được xuất hiện rất nhiều trong tiểu thuyết, nó tượng trưng cho Meggie. Cô là một đóa hồng xinh đẹp, kiêu hãnh, gai góc nhưng mang số phận bi thảm. Hoa hồng cũng hiện lên trong những lớp tro khi linh mục Ralph đau đớn khi mang những tâm sự cuối cùng khi từ bỏ Meggie để cống hiến hết mình vì Chúa Đóa hồng cũng xuất hiện trong những buổi dạo chơi thân mật giữa hai người, hiện lên ở cuốn Kinh thánh của Ralph để khiến ông nhớ đến mối tình sâu đậm của mình, về người con gái đã chiếm lấy tâm trí và trái tim ông, về một lần ông đã quay lưng với Chúa để sống với tình yêu nhân gian. Màu áo của Meggie cũng là màu của đóa hoa hồng, nàng mặc chiếc áo hồng tro mỗi khi gặp Ralph. Và hoa hồng lại xuất hiện lần nữa, một lần cuối cùng ở cuối truyện, khi cuốn sử thi về gia đình Cleary đã đi đến hồi kết: “Những chồi nụ và những mầm xanh nẩy nở rồi héo tàn; rồi những ước mơ mới lại đến, tiếp tục một chu kỳ không thay đổi, mãi mãi không hề dừng lại ở nơi kết thúc. Hoa hồng nở rồi tàn, tàn rồi lại nở, một vòng tuần hoàn như vậy. Như những thế hệ con người nơi đất Úc này, luôn tuần hoàn và phát triển, mở ra một thiên sử thi khác, của những ước mơ và những câu chuyện khác…

4. Tóm tắt Tiếng chim hót trong bụi mận gai
Cuốn tiểu thuyết đi từ nhân vật chính Meggie.
Khi mà cô còn là một cô bé luôn chịu cảnh cha ở xa, người mẹ thương con nhưng tỏ ra lạnh lùng như bức tượng. Meggie đáng thương luôn thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc, tình cảm từ gia đình. Mẹ cô mang trong lòng bà một bí mật không thể nói ra.
Cha của Meggie- Padric Cleary sau đó đã nhận lời đề nghị của người chị giàu có là Mary Carson. Người mà nay đã góa và cũng chẳng còn sống được lâu nữa. Ông đưa cả gia đình đến Úc châu, Vùng Drogheda. Họ sống và làm việc ở trang trại của Mary. Linh mục Ralph de Bricassart đã có mặt ở đó, khi mà nhà Cleary mới lần đâu đặt chân tới nước Úc.
Bi kịch tình yêu bắt đầu
Và từ đấy, ông không bao giờ có thể rời mắt khỏi Meggie. Đó là cái khoảnh khắc định mệnh, mở đầu cho câu chuyện tình đắm say nhưng đầy ngăn cấm sau này. Khi Ralph nhận ra “đây là đứa con gái đẹp và đáng yêu nhất mà ông chưa từng gặp. Màu tóc không thể nào mô tả được, không nâu mà không vàng, một sự hòa hợp tuyệt vời của cả hai màu. Cô bé đã nhìn ông bằng đôi mắt màu xám ánh lên màu bạc, con ngươi trong suốt óng ánh như những viên ngọc.”
Trong suốt khoảng thời gian ấu thơ, tuổi dậy thì và khi dần dần trở thành một thiếu nữ trưởng thành, linh mục Ralph luôn ở đó, bên cạnh Meggie. Ông nâng đỡ và chỉ bảo cho cô khi cô cần một người để tâm sự, để giải tỏa những nỗi niềm trong lòng.
Và cũng từ những ngày tháng ấy, tình cảm của linh mục Ralph dành cho Meggie càng lớn dần thêm: “Cô bé làm cho linh mục xúc động sâu xa mặc dù ông không biết tại sao”, “Điều khó có thể chấp nhận, cô bé đã lấp cái khoảng trống mà Chúa của ông không thể lấp được, vì rằng cô bé có một sức hấp dẫn và một nhân cách rõ nét”. Ông nhận ra hoàn cảnh của Meggie, đứa con gái duy nhất trong gia đình.
Nàng lớn lên giữa sự coi thường của nhiều người vì trót mang thân phận phụ nữ. Ông nhận ra khát khao làm mẹ và có một mái ấm gia đình của Meggie, thứ mà ông không thể cho cô.
Gấp lại cuốn sách, trong lòng tôi lúc đó cứ văng vẳng câu nói của đấng Hồng Y Victoria : Họ cũng là người… những người nghe lời xưng tội của các đấng vĩ đại ấy mà. Đừng bao giờ quên điều đó. Chỉ khi làm lễ, linh mục mới là cái bình của Chúa. Ngoài ra ông ta chỉ là người. Qua ông ta mà Chúa tha tội, Chúa ban sự tha thứ, nhưng nghe kẻ có tội và đưa ra sự phán xét của mình lại là con người – tr. 546. Có lẽ những cảm xúc còn đọng lại sau khi đọc khiến cho ta có cảm giác đó. Phải, tất cả các nhân vật trong tiếng chim hót trong bụi mận gai đều là con người, mỗi người đều đau một nỗi đau khác nhau. Nhưng họ đều đau khổ. Những người khác thường so sánh Tiếng chim hót trong bụi mận gai với Cuốn theo chiều gió. Hai tác phẩm đều mang những dấu ấn riêng của nó, nếu đem so sánh thì thật không công bằng. Cuốn sách đã vẽ nên một bức tranh về thiên nhiên nước Úc thật sống động, chân thực và đầy màu sắc. Ngoài tình cảm giữa con người với nhau, tình yêu dành cho đất đai, cho nơi mình sinh sống cũng thật cao cả, đẹp và thiêng liêng. Tình yêu dành cho đất, cho Dogheda, chỉ cần yêu thôi không đòi hỏi gì thì tình yêu đó luôn luôn đẹp và cao quý.
Cuốn sách như một cuốn sử thi về một gia đình, về mỗi thành viên của gia đình đó.
Số phận của họ, cứ thế trải qua cùng những năm tháng dài, qua những điều khắc nghiệt hay tươi đẹp của thiên nhiên. Cả ba người phụ nữ trong ba thế hệ của Dogheda đều thật đáng thương, thật bất hạnh. Fiona, người có được tình thương của rất nhiều người. Nhưng, bà lại cứ luôn dửng dưng, cứ mãi vô hồn và bà chẳng bao giờ cười. Nụ cười của bà đã tắt theo người cha của đứa con đầu, nhưng không phải là chồng bà. Bà sống lầm lũi, cam chịu và đầy đau khổ. Đến khi bà nhận ra người bà thực sự yêu thì họ đã không còn trên cõi đời này nữa rồi. Meggie, tuy không có được tình yêu của mẹ trọn vẹn nhưng cô được các anh và ba vô cùng yêu quý. Cô khác lạ, thiếu thốn sự quan tâm dạy bảo để trở thành một người con gái khi còn nhỏ. Lớn lên, cô phải trả giá cho cái việc của mình quá đắt đỏ. Cô yêu một vị linh mục, thách thức với chúa trời đối với tình yêu đấy. Cô khổ đau vì cô muốn sở hữu thứ không thuộc về cô. Rồi cô hành động như để trả thù, tìm hình bóng người mình yêu ở một con người khác. Vì kiêu hãnh, cô chấp nhận cô đơn, tổn thương và cả tủi nhục. Cô tự hành hạ chính mình đau khổ khi cứ cố chấp giữ mãi tình yêu với một người mà cô không thể yêu. Cuối cùng, cái tình yêu ngang trái của cô cũng phải trả giá. Một cái giá mà “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”. Như trong lời đề tựa đã viết: “Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được.Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy” Jestine, cô cũng bất hạnh vì không có được tình yêu của mẹ và những người xung quanh. Cô không thuộc về Dogheda, nơi mà tất cả mọi người thuộc về. Cô khao khát thể hiện mình qua một người khác. Cô đam mê điều đó đến mức muốn trở thành diễn viên. Cô cũng chịu nổi đau tột cùng khi mất đi em trai, người yêu thương cô nhất, người mà cô gọi là lương tâm của cô. Thật may là cô đã nhận ra cô có thể yêu người khác. Và cuối cùng, cô cũng được yêu bởi một người có khả năng bao dung, thấu hiểu con người cô. Có lẽ, cô chính là điểm sáng cuối cùng cho một sử thi đầy đau khổ của gia đình có hơn 10 người con nhưng chẳng có lấy một người hậu thế. Cha Ralph, vị linh mục đã dằn vặt bản thân cả cuộc đời. Ông yêu Meggie khi cô còn là một cô bé 9 tuổi. Tình yêu đó lớn dần theo năm tháng. Ông tìm mọi cách để được ở bên cô, dành cho cô những điều ấm ám nhất, tốt đẹp nhất. Nhưng Ông đã phải đứng giữa sự lựa chọn là tình yêu trai gái hoặc là chức sắc bên Chúa. Sự háo danh đã giết chết tình yêu trong lòng khiến ông phải thốt lên : “Ta yêu em, nhưng ta là một linh mục” Rồi tuy yêu em nhưng ta còn tình yêu với chúa, ta phải phụng sự chúa, và từ bỏ em. Ra đi lao mình vào con đường thăng tiến thẳng đến Vantican nhờ bán người yêu lấy 13 triệu bảng anh. Rồi chính ông không có đường lùi. Cứ phải luôn đau đáu nhớ về một người, cứ phải luôn cô đơn, nỗi cô đơn mang tên nhớ người yêu : Meggie “Trái tim có những quy luật mà chỉ những kẻ yêu nhau mới hiểu được “. Câu nói gây ám ảnh về một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp, vừa mãnh liệt vừa đau thương sau khi đọc tác phẩm “Tiếng chim hót trong Bụi mận gai” của nữ văn hào Colleen McCullough. Phải chăng khi ông cùng Meggie thực sự thuộc về nhau, đó là tiếng hát của con chim bị gai đâm vào ngực đến rỉ máu những vẫn không ngừng hót. Tình yêu của Hồng Y Ralph và Meggie không phải là tình yêu trong sáng. Họ yêu và muốn chiếm đoạt lấy tình yêu. Một tình yêu ích kỷ nên đầy khổ đau. Cha Ralph cũng giống với rất nhiều người hiện giờ, yêu em nhưng….. Khoảng cách của chữ nhưng đó là sự tham lam, vừa muốn cái này vừa muốn cái kia. Cả cuộc đời chỉ đuổi theo thứ không mang lại niềm vui cho mình. Ông bỏ quên và không thừa nhận tình yêu, niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự của mình. Ông đã bước một chân qua khỏi cái ranh giới thiêng liêng mà ông đặt ra, nhưng không chịu bước hẳn cả hai chân. Nên cứ như vậy, ông dằn vặt đến chết trong cái lồng vàng ông tự vẽ ra. Xuyên suốt cuốn sách ngoài sự hùng vĩ của thiên nhiên, chỉ cảm nhận được nỗi đau. Và chẳng bao giờ có ai trải qua được nỗi đau của người khác, số phận dành cho mỗi người nỗi đau riêng. Quan trọng là con người ta đối diện với nỗi đau đó như thế nào thôi.
Cuốn sách đã kết thúc,
Câu chuyện tình của Meggie và Ralph đã khép lại. Thế nhưng cuộc sống nơi bối cảnh của tiểu thuyết thì không bao giờ đóng. Nó vẫn tiếp diễn, bên ngoài khuôn khổ của cuốn sách này. Một kết thúc vừa đóng, vừa mở, để lại nhiều dư vị cho người đọc, nhất là những câu văn cuối
5. Lời kết:
“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” trở thành “nỗi đau tuyệt vời” của số phận, của tình yêu. Là bản tình ca về những trái tim dám yêu, dám hận, dám đấu tranh cho hạnh phúc – dù chỉ là thứ hạnh phúc nhỏ bé giữa muôn ngàn bi kịch.
Hãy thử một lần đắm say vào tình yêu như Meggie, một lần dũng cảm theo đuổi đến cùng tình yêu của mình. Để sau này chẳng hối tiếc, dù rằng:
” Khi vở kịch cuối cuộc đời hạ màn
Người vẫn chỉ là người đàn ông danh vọng Đem tình yêu vùi vào trong ký ức
Hoa hồng và tàn tro…
Có con chim hót mãi trong bụi mận gai
Cạn kiệt máu trong tim mà tình yêu vẫn say ngủ
Thôi đừng tiếc….”
Xem thêm: Muôn kiếp nhân sinh