Nếu như ở phương tây, các bậc cha mẹ đều mong con mình tự lập, tự chủ và biết tôn trọng người khác thì ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ luôn mong con mình ngoan ngoãn, biết nghe lời, kính trên nhường dưới.
Ở Việt Nam, gái ngoan thường là một cô gái luôn biết nghe lời. Ở nhà thì nghe lời cha mẹ ông bà, đến trường phải nghe lời thầy cô, đi làm phải nghe lời sếp.
Đó là một sự ngoan ngoãn “nguy hiểm”.
Bởi quá ngoan, cô ấy lúc nào cũng làm theo ý muốn của người khác, đến cuối cùng không biết mình muốn gì, cần gì. Cô ấy mất khả năng tư duy độc lập. Và khi có vấn đề xảy ra với đời mình (mà cuộc đời mỗi người thì luôn có những vấn đề cần giải quyết), cô ấy sẽ loay hoay, không dám quyết định vì không có sự tự tin vào năng lực tư duy của bản thân. Bởi quá ngoan, cô ấy luôn phục tùng. Khi rời khỏi vòng tay của cha mẹ, cô ấy vô thức tìm một quyền lực khác để sống tiếp cuộc đời bị áp đặt. Dù bị đối xử tệ, gái ngoan vẫn nín nhịn mà không có cả suy nghĩ phản kháng, vì xem việc mình phải nhịn là việc đương nhiên. Bởi quá ngoan, cô ấy luôn làm những việc trong vòng an toàn, mà các bậc phụ huynh Việt Nam thì nổi tiếng bao bọc và áp đặt, khiến con thiếu trải nghiệm trong giao tiếp với người khác phái. Để rồi khi tới tuổi lập gia đình, gái ngoan không thể phân biệt được đâu là Mr Wrong, đâu là mr Right. Cô ấy thiếu luôn kỹ năng ra quyết định, trong khi cuộc đời vốn dĩ là một chuỗi ra quyết định, có khi chỉ một quyết định sai, đời ta đã đi xa lắm. Bởi quá ngoan, cô ấy xem chồng con là cả thế giới, vì mẹ dạy thế, bà dạy thế. Cô ấy vun vén chăm sóc, lo toan mọi thứ cho gia đình, khiến chồng dần như một đứa bé. Cô ấy giành mất vị trí lẽ ra của anh: vị trí của một con đực đầu đàn mạnh mẽ làm chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Cô ấy lúc nào cũng sẵn sàng ở đó, cô ấy không có thế giới riêng của mình, một thế giới mà người đàn ông nào cũng khát khao phiêu lưu, khám phá, chinh phục. Hôn nhân không trọn vẹn vì cái anh ấy không cần thì cho quá nhiều, cái anh ấy cần thì lại chẳng có.
Còn điều gì tệ hơn nữa?
Thậm chí gái ngoan còn nguy hiểm ở chỗ, vô thức dạy con mình “ngoan” giống mình. Hàng ngày cô ấy nỗ lực dạy con điều hay lẽ phải bằng lời nói, nhưng hành động thì lại dạy chúng điều ngược lại: đó là lối sống hy sinh không đúng cách cho chồng con, là kiểu báo hiếu không đúng cách cho bố mẹ, vô tình đào tạo chúng thành một phiên bản của chính mình. Dạo hết các Group dành cho phụ nữ, đọc bất kỳ một tâm sự cay đắng nào cũng thấy thấp thoáng hình ảnh một cô gái ngoan biết vâng lời như trên cả.
Bởi vậy, hãy ngoan theo một kiểu khác – đó là “khôn ngoan”
Hãy biết cân nhắc đúng sai, biết dứt khoát ra quyết định tốt nhất cho mình.Hãy biết tự chịu trách nhiệm về mọi thứ mình làm.Hãy biết cách nói “không” khi cần thiết.Hãy biết cách đưa ra ý kiến của mình mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của người khác, tránh tổn thương cho mối quan hệ mà vẫn đạt hiệu quả.
Nghe thì dễ, nhưng thực hiện được thì không dễ chút nào khi mà khái niệm “ngoan ngoãn” chúng ta đã bị dạy sai từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nếu bạn đã từng đọc hồi ký của Michelle Obama thì sẽ thấy một cách dạy con rất khác với Việt Nam mình. Gia đình Michelle Obama khi ấy rất nghèo, điều kiện vật chất có lẽ thua rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, nhưng cách giáo dục con cái thì hơn hẳn. Michelle được tranh luận thẳng thắn mọi vấn đề với ba mẹ, khiến cho cô có tư duy độc lập từ bé. Chuyện yêu đương cũng được tự do nên Michelle dù là học sinh rất giỏi ở trường nhưng cũng không hề “gà mờ” trong chuyện chọn bạn trai.Những cách dạy ấy khiến Michelle trở thành người phụ nữ vừa thành công trong sự nghiệp vừa hạnh phúc trong hôn nhân. Tham khảo sách tại đây Chúng ta thiệt thòi hơn nhưng vẫn nỗ lực thay đổi được. Phải học hỏi rất nhiều nhưng chắc chắn cái đạt được sẽ vô cùng xứng đáng, vì chỉ khi bạn nghĩ đúng, bạn mới hành xử đúng; và chỉ khi bạn hành xử đúng, bạn mới đạt được kết quả khả quan.Bởi thế, thay đổi tư duy là vũ khí lợi hại nhất để đạt được hạnh phúc.Xem thêm: Khí chất bao nhiêu, hạnh phúc bấy nhiêu